Xuất phát từ mong muốn hiếu bản thân và giúp đỡ ai đó cũng có thể hiểu được bản thân họ, bài post này chia sẻ những phát hiện gần đây của tớ về những khiếm khuyết nội tâm cùng những vết thương chưa được chữa lành của mình. Mong bài post có thể phần nào đó an ủi và giúp ích cho cậu nhé!
Giờ đây, cậu có thể lắng nghe tớ tại:
https://open.spotify.com/show/6M5wBikXwBGqwxhw9As2IO?si=d5709c41fbcf41cb
Không biết lắng nghe do đâu mà ra
Người yêu của tớ nói rằng “ em là người không biết lắng nghe, lúc nào cũng cho mình là đúng, người khác là sai”. Chuyện không đơn giản dừng lại ở việc “ em sai rồi, anh xin lỗi em đi” như nhiều cặp đôi khác. Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của người yêu, có điều gì đó đang không ổn với tớ. Đấy là lần đầu tiên tớ thực sự đặt dấu hỏi lớn cho bản thân mình. Tớ đang mơ hồ không biết rằng cái bản thể bấy lâu nay tớ vô cùng tự tin ấy đang có gì đó không ổn, những khiếm khuyết, những vết sẹo trong tâm hồn tớ đang dần lộ ra càng ngày càng rõ. Tớ càng phản tư, tớ càng đi sâu vào tìm hiểu thì tớ càng thấy rõ inner child ( đứa trẻ bên trong tớ ) ở đấy, im lặng cùng những tổn thương mà người lớn xung quanh gây ra cho nó. Những tổn thương ấy lớn gấp trăm lần khả năng chịu đựng non nớt của một đứa trẻ. Đứa trẻ ở đấy còn tớ thì lớn lên và cứ nghĩ mọi thứ sẽ biến mất khi tớ trưởng thành.
Tớ không biết ngoài kia, có bao nhiêu người trẻ giống tớ. Hoặc thậm chí họ còn không hiểu chính mình. Mượn một tựa đề trong sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ: của Đặng Hoàng Giang - “Tôi muốn mọi người biết rằng có nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế”. Tớ lén lau một giọt nước mắt. Mắt tớ đã long lanh lên khi cầm lại cuốn này sau hơn một năm để đọc lại.
Khi còn nhỏ, tớ có xu hướng đối kháng lại những gì người lớn nói về tớ. Sinh ra là một đứa trẻ nhạy cảm, tớ cảm nhận được ý trong lời nói và cách hành xử của người đối diện (ý là ý tốt hay ý xấu đó). Sinh ra là một đứa trẻ nhạy cảm, có nhiều suy nghĩ và tưởng tượng trong đầu, tớ khao khát rằng có người đến bên mình trò chuyện, định hướng và ở đằng sau dõi theo con đường tớ đi sau này. Nhưng không may mắn, tớ không có được cái diễm phúc ấy, tự tớ phải định hướng cho mình.
Có hai con đường để cho đứa trẻ ấy lựa chọn khi vắng bóng người lớn bên cạnh nó. Một là sa ngã, buông thả, bỏ học, hút chích, và hư hỏng (like father like son) cái mà xã hội muốn thấy và cho rằng nó sẽ diễn ra như vậy. Hai là chống đối lại cái định kiến thâm căn cố đế kia, phản kháng ngầm để chứng tỏ mình có giá trị hơn “họ” tưởng. May mắn thay, tớ và nhiều người trẻ khác nữa chọn cho mình con đường thứ hai. Chọn con đường ấy đồng ý với sự cô độc, không ai ủng hộ, không ai tin tưởng không ai đồng hành. Một mình và đi con đường khó nó đáng sợ lắm mọi người ạ.
“ nếu em nghe những gì người lớn nói thì liệu em còn ở đây không?”
“ nếu em nghe và tin những lời họ nói về khả năng của mình thì liệu có em của ngày hôm nay không?”
“ ai cũng chỉ nghĩ cho họ và đưa ra những lời khuyên ích kỷ, nếu lắng nghe hết những lời ấy thì em chắc chắn một điều rằng em sẽ thành người không tử tế”
Một người chưa từng được người khác lắng nghe và tin tưởng thì cũng không quen với việc lắng nghe người khác, ngay lập tức. Những thiếu sót này không phải là lỗi của họ. Họ cần nhiều sự kiên nhẫn hơn bình thường. Trong quá trình họ lớn lên, họ đã quen với việc đi một mình và bỏ ngoài tai những lời ai đó nói về họ. Thật đau lòng nếu ta cố chỉ trích và đổ lỗi cho họ - Không biết lắng nghe là lỗi thuộc về chính họ?
Nếu người thân yêu của cậu, không lắng nghe ý kiến từ cậu thì hãy bình tĩnh, đừng vội trách cứ họ, hay suy nghĩ thật kỹ xem đằng sau sự không biết lắng nghe ấy là gì? Biết đâu một đứa trẻ với những tổn thương chưa lành? Cậu hoàn toàn có thể chìa bàn tay ra và giúp đỡ đứa trẻ ấy nếu cậu thực sự yêu người ấy. Khi nhìn người khác bằng ánh mắt của sự thấu cảm, cậu sẽ thấy họ đáng thương chứ không xấu.
Tớ không biết lắng nghe. Đứa trẻ đó vẫn ở đấy mà tớ không biết. Tớ cứ ngỡ rằng mình đã chữa lành và làm hòa với nó cách đây 1 năm khi tớ được cô giáo tặng cho cuốn sách Tìm lại mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Nhưng thực ra, nó vẫn ở đó và lặng lẽ với những tổn thương chưa thể hòa giải vì tớ chưa nhận ra cho đến bây giờ.
“Tôi mong có người dìu dắt những lại phải dìu dắt bố mẹ tôi” – thay cho cách gọi “ đứa trẻ bị phụ huynh hóa” (parentification).
“Phụ huynh hóa là một hình thức “đảo ngược vai trò” trong gia đình khi một đứa trẻ bị bắt đảm nhận trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ. Ngoài việc chăm sóc bản thân, họ phải trở thành bạn tâm giao của cha mẹ, người chăm sóc anh chị em, người hòa giải trong gia đình, v.v. Đây được xem như một sự vi phạm ranh giới của một đứa trẻ bởi vì chúng vừa bị cướp đi cả một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, thứ tuổi thơ mà chúng xứng đáng.”
Điều này ảnh hưởng đến tớ như thế nào?
Tớ cảm thấy đôi khi mình kiệt sức vì phải gánh vác quá nhiều thứ. Tớ thấy mình cô độc vì tớ chẳng giống ai. Tớ lớn lên mà chưa kịp làm trẻ con. Tớ luôn luôn cảm thấy không an toàn mỗi khi có ai đó muốn bước vào thế giới của tớ. Tớ sợ bị họ làm tổn thương khi tớ không sống trong môi trường giống họ. Kết quả là tớ cố đẩy họ ra xa và chỉ mong muốn dừng mối quan hệ này ở mức xã giao thôi vì tớ lớn lên với niềm tin rằng tớ chỉ có thể dựa dẫm vào chính mình.
Có lần Xoan, con bạn thân ở lớp đại học, chúng tớ chơi với nhau từ năm hai đề nghị
- Tết này, tao về nhà mày chơi nhé Hà? Được không?
Tớ giật nảy mình, người run bắn lên, tớ cảm nhận được sự không an toàn nếu đồng ý. Tại sao tớ lại như vậy, việc mời bạn bè đến nhà ăn chơi và ngủ lại là bình thường mà nhất là người bạn thân thiết với mình.
- Về nhà tao á, nhà tao phức tạp lắm… ( thay cho lời từ chối)
Ấy vậy mà tớ không làm được đấy. Tớ cứ tự xây cho mình bộ giáp gai để không ai được đến quá gần tớ. Tớ cố thủ dưới lớp áo giáp nặng nề ấy mặc dù rất cô đơn. Nhưng tớ nghĩ là như thế còn tốt hơn để họ đến rồi làm tổn thương mình.
Đứa trẻ ấy vẫn ở đó mọi người ạ với gương mặt tái vì sợ hãi và lúc nào cũng có cảm giác không an toàn. Đứa trẻ ấy cần nhiều sự kiên nhẫn hơn so với bình thường. Nó hờn dỗi cả thế giới vì nó quen với việc lớn lên một mình mà không có bóng dáng người lớn bên cạnh. Đôi khi nó còn làm tổn thương đến người thân yêu của nó nhưng thực tế trong lòng nó không muốn vậy. Nó sợ bị tổn thương trước việc được ai đó yêu thương nhưng rồi sẽ có ngày người bỏ nó mà đi khi không hiểu được nó.
Người ta thì cho rằng tâm lý là thứ gì rất khó để nắm bắt. Người ta đã quá quen với việc trở nên vô cảm kiểu như: ui giời, sao mày yếu đuối thế. Hay đưa ra những lời khuyên không đầu không cuối: vui lên, vui lên mà sống,…
Nếu cậu cảm thấy không ổn, có thể là do đứa trẻ bên trong cậu đang có điều muốn nói. Hãy tìm về và trò chuyện cùng nó để thấy được bản ngã của chính mình, hiểu được cội nguồn của những vết sẹo tâm hồn khó thấy. Từ đó cậu có thể hiểu chính bản thân mình hơn, khi hiểu chính mình thì người khác cũng dễ dàng hiểu cậu.
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, kể cả những lớn lên trong gia đình hạnh phúc nhất. Tìm về đứa trẻ bên trong bạn là bước đầu cho việc chữa lành những tổn thương tâm lý hay những mông lung và hoài nghi về bản thân cậu.
Cảm ơn cậu đã ghé thăm và ở lại cùng tớ.
Người viết,
Hà Trần
Comentarios