“Nếu hỏi tại sao thời này mấy bạn mất phương hướng, khủng hoảng về nghề nghiệp, hoang mang về tương lai, lơ mơ về định hướng nhiều đến như vậy thì có lẽ mình sẽ trả lời là bởi vì các bạn học nhiều quá nhưng mà rèn ít quá.” Trích từ Blog của cô Nguyễn Phi Vân.
Học nhiều quá, rèn ít quá không phải nguyên nhân CHÍNH dẫn đến cuộc đại khủng hoảng trong giới trẻ ngày nay. Trừ 12 năm phổ thông chúng ta phải học nhiều (cũng tùy) do chịu sự quản lý từ gia đình và thầy cô ra thì thời gian còn lại của sự học, khi bạn lên cao đẳng hay đại học,… ừm kể ra học cũng nhiều nhưng không hề nhiều quá. Làm gì có học nhiều đến độ không có thời gian ngủ nghỉ khoa học hay dành cho việc khác. Nói thật trừ những lúc sắp thi cử ra (khoảng 2-3 tuần trước kỳ thi) thì hầu hết đám sinh viên chúng mình đều bận yêu đương hẹn hò, bận làm thêm, bận du lịch, bận hội nhóm, bận về quê nghỉ lễ,…nói chung bận đủ thứ trừ việc mở sách mở vở ra ôn bài hay làm bài tập về nhà. Nhưng rèn ít thì có lẽ đúng nha, học lý thuyết mụ mị đến quên sạch kiến thức xong cái, người trẻ chúng mình được quẳng vô môi trường thực tế để bóc lột chứ chưa kịp rèn.
Tất cả người trẻ chúng ta đều đang sống ở giai đoạn một phần tư cuộc đời. Mà ở vào giai đoạn này có rất nhiều cuộc khủng hoảng và cách mạng tinh thần. Nhưng đó là điều cần thiết cho người trẻ được trưởng thành. Họ hay gọi là khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Những tên gọi như khủng hoảng về nghề nghiệp, hoang mang về tương lai, lơ mơ về định hướng,… chỉ là một góc nhìn nhỏ xíu và không đầy đủ của cuộc đại khủng hoảng đang diễn ra hoặc sẽ diễn ra trong người trẻ chúng mình – Identity Crisis (khủng hoảng bản sắc, khủng hoảng danh tính, khủng hoảng nhân dạng)
Tớ nghĩ chúng mình nên được trang bị kiến thức về nó và hiểu được gốc rễ sâu xa để từ đó tìm ra giải pháp cho chính mình hơn là nghe theo những giải pháp và lối tư duy không phù hợp từ người khác. Những người quanh mình có vấn đề liên quan đến công việc. Ở độ tuổi 23, 24 chúng mình đã ra trường và bắt đầu tham gia vào thị trường lao động thì đương nhiên, công việc là mối bận tâm duy nhất lúc này. Và nhìn chung, vấn đề của ai trong giai đoạn này cũng giống nhau.
Nếu bạn buộc phải kiếm tiền, thì bạn sẽ lao vun vút như con thiêu thân để làm việc, không cần biết niềm tin, giá trị bạn theo đuổi có phù hợp với công việc và công ty đó hay không. Bạn sống cho qua ngày với câu hỏi chưa có lời giải đáp “làm công việc này để làm gì”. Đó là điểm sơ khởi của khủng hoảng.
Nếu bạn chưa buộc phải kiếm tiền, bạn biết mình sẽ hợp với công việc như thế nào nhưng tạm thời lúc này chưa tìm được công việc như thế thì bạn sẽ dễ cuốn theo những tư vấn hướng nghiệp của người thân. Vào làm mới biết có nhiều yếu tố khiến bạn không thể tiếp tục, khúc này thật khó xử, cho cả bạn và người đã giúp đỡ bạn. Đây cũng là một đầu dây dẫn đến khủng hoảng bản sắc ngầm trong bạn.
Thử tìm hiểu một chút về khủng hoảng nhân dạng nhé!- Identity Crisis
Identity Crisis
Theo từ điển Oxford, Identity Crisis là một dạng khủng hoảng tâm lý, xảy ra khi cảm nhận của một người về bản thân mình (mục đích sống, giá trị con người, tính cách) trở nên không vững chắc, bị lung lay bởi vô số các yếu tố bên ngoài như: sự thay đổi hoàn cảnh sống, vị trí xã hội, tuổi tác, mối quan hệ.
Cụm từ Identity Crisis lần đầu xuất hiện từ nhà tâm lý học phát triển và nhà phân tâm học Erik Erikson. Ông giới thiệu ý tưởng về Identity Crisis là một trong tám loại khủng hoảng của đời người. Nó xảy ra ở cấp độ thứ năm, với những người thành niên từ 15-20 tuổi. Ông tin rằng bằng cách vượt qua những khủng hoảng ấy, con người có thể phát triển tính cách cá nhân của mình.
Theo James Marca - một trong những nhà khoa học nghiên cứu mở rộng lý tâm lý học phát triển - thì có 4 nhóm trạng thái căn tính cá nhân được đúc kết qua phương pháp “Phỏng vấn đo lường danh tính”. Phương pháp này xem xét ba lĩnh vực hoạt động khác nhau: Vai trò nghề nghiệp, niềm tin và giá trị, bản sắc giới.
Trong mô hình này, các trạng thái được xây dựng dựa trên 2 trục: Khám phá và Cam kết. Người có mức độ Cam kết cao, biết rõ mình là ai và có niềm tin mạnh mẽ vào lựa chọn của mình và ngược lại. Tương tự, trục Khám phá cho biết mức độ chủ động trong việc đặt câu hỏi về bản thân, đi sâu vào nội tâm và đưa ra sự lựa chọn của người đó.
Identity diffusion - Căn tính mờ nhạt
Sự cam kết và khám phá của trạng thái này đều ở mức thấp. Những người trong trạng thái này không có khái niệm rõ ràng về cái tôi cá nhân, vai trò của mình trong xã hội, và cũng không chủ động khám phá các lựa chọn cho mình.
Nhiều người trong trạng thái này, không chỉ riêng người trẻ chúng mình. Lấy ví dụ, họ là những người hay than vãn về công việc, công ty và đủ thứ khác trên đời như lương lậu, đãi ngộ của họ. Họ đứng núi này nhưng luôn nghe ngóng núi khác, người khác mà họ từng biết để xem giờ ra sao, hơn hay kém họ. Điều duy nhất họ không làm là take action. Họ kêu lương không cao, sếp không tốt, việc thì ngày càng nhiều nhưng đồng thời họ cũng không hề chủ động từ bỏ công việc hiện tại, đi tìm kiếm người sếp tốt, công việc lương cao,... bởi có lẽ họ còn chẳng có khái niệm rõ ràng về cái tôi cũng như vai trò của họ.
Identity foreclosure – Căn tính nhận sẵn
Có những người hoàn toàn không trải qua khủng hoảng bản sắc cá nhân, đó là trạng thái này. Những người này có thể cam kết với một vai trò, giá trị hay mục tiêu nào đó – đôi khi được xây dựng từ các hình mẫu có sẵn – mà không cần tự khám phá.
Những người trong trạng thái này sống khá chill. Họ hài lòng với công việc họ kiếm được và con đường thăng tiến theo lộ trình đã được vạch sẵn tới tận đích mà không hề đặt câu hỏi nào cho bản thân và bản chất công việc đó. Hay chẳng hạn, có một ví dụ khác còn rõ nét hơn cả, đối với những người đã lập gia đình rồi, nhất là khi còn trẻ, họ thường được dạy bảo rằng, phụ nữ không quan trọng sự nghiệp, kiếm tiền. Việc đó là của đàn ông. Phụ nữ thì sinh con, ổn định gia đình, lo việc nội trợ là xong. Đàn ông thì ra ngoài bươn trải, kiếm tiền nuôi gia đình. Nếu bạn quyết định đóng mọi cánh cửa khám phá của bản thân và tuân theo những “hướng dẫn” trên thì cuộc sống của bạn khá chill và êm đẹp vì bạn không hoàn toàn trải qua khủng hoảng.
Identity moratorium – Căn tính đình hoãn
Người ở trong trạng thái này có mức độ khám phá cao nhưng cam kết thấp. Đây là trạng thái của rất nhiều người trẻ tuổi khi liên tục thử nghiệm với các giá trị, niềm tin và mục tiêu khác nhau, nhưng chưa gắn bó với điều gì cụ thể. Nhiều người bị đánh giá là “lông bông” vì chưa đạt được sự ổn định mà xã hội trông đợi khi đến độ tuổi nhất định.
Identity achievement – Căn tính đạt thành
Đây là trạng thái lý tưởng nhất với mức độ cam kết và khám phá đều cao. Người đạt được trạng thái này đã biết giá trị, niềm tin nào quan trọng nhất với mình, và xác định được mục tiêu phù hợp với những giá trị ấy. Thành quả này có được nhờ một quá trình chủ động khám phá bản thân và trải nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau.
Đây chắc chắn là điểm đến cuối cùng của tất cả người trẻ chúng ta khi trải qua hàng ngàn, hàng vạn các cuộc khủng khoảng kinh hoàng trước đó. Khi còn trẻ, vấn đề gì cũng to lớn như thể đè bẹp ta đến nơi rồi. Mỗi lần thất bại, như một lần ta bị đánh thật đau vào cái bản sắc cá nhân. Lần sau lại đau hơn lần trước nhỉ?
Chỉ cần mỗi ngày qua đi
Gần đây, tớ có cày bộ phim Never Have I Ever mùa 4. Devi - một học sinh xuất sắc trường trung học, cô tự tin vào bản thân và chỉ nộp đơn vào các trường đại học khối Ivy gồm toàn những trường đại học top đầu mà không hề có bất cứ phương án dự phòng nào. Ngày cô nhận kết quả, thế giới như sụp đổ khi cô không đỗ bất cứ một trường nào. Còn ngôi trường cô theo đuổi từ hồi tiểu học thì cho cô vào danh sách chờ. Không gì có thể tệ hơn cảm xúc của Devi khi ấy. Chắc chắn, với một cô bé mười 17 tuổi, đó là cú đánh đau điếng vào cái nhân dạng và sự tự tin siêu việt của cô. Việc trượt tất cả các nguyện vọng vào đại học top khiến cô nghi ngờ bản thân mình không đủ giỏi, không đủ tốt đẹp? Chắc chắn, ai trong số chúng ta cũng từng vài lần nghi ngờ bản thân và nghĩ rằng thật kinh hoàng, làm sao chúng ta dám đối diện vấn đề.
Cách để vượt qua khủng hoảng nhân dạng là đừng cố vượt qua nó, đừng cố đối diện với nó.
Chỉ cần mỗi ngày qua đi, là cách tớ vừa đi vừa quan sát và vượt qua nhiều cơn khủng hoảng phải nói thực sự kinh hoàng của chính mình. Hành trình đó đã không thể trọn vẹn nếu thiếu đi sự xuất hiện hai lần liên tiếp ở cả dạng thanh lẫn hình của câu nói “ It’s not the end of the world”. Tớ tin đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tớ tin rằng bản thân mình đã khao khát đủ nhiều mới nhạy cảm để có thể capture được câu nói đó vào trong đầu khi nó chỉ là một câu nói rất bình thường như hàng vạn câu nói khác trên podcast.
Khủng hoảng bản sắc cá nhân cho tớ nhận thấy một sự thay đổi trong nhận thức của chính mình. Những kinh hoàng, ám ảnh của một năm vừa qua đổi lại một cái tôi fresh và fulfilled, hoàn toàn xứng đáng.
Nếu bạn cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng, bạn không hài lòng với cuộc sống, bạn đang vùng vẫy để thực hiện thay đổi, bạn không biết mình là ai và muốn gì trong cuộc đời thì đừng vội tìm kiếm câu trả lời trong lúc này nghen. Chỉ cần mỗi ngày qua đi. Chỉ cần Lửa trong tim vẫn le lói, heo hắt cũng được. Rồi một ngày, nó sẽ lại cháy lên thật rạng rỡ và sưởi ấm cho chính bạn nghen.
Hôm nay thật tệ. Ngày mai vẫn thế. Ngày sau đó khiến bạn cảm thấy thật kinh hoàng, đen tối. Nhưng, hãy cứ để mỗi ngày qua đi và biết rằng It’s not the end of the world.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm và ở lại cùng tớ,
Người viết,
Hà Trần
留言