top of page
Ảnh của tác giảHA TRAN

ĐỨA TRẺ TỰ HỌC

Đã cập nhật: 27 thg 10, 2021

Đứa trẻ bé nho nhỏ trong thế giới to to


Không được may mắn như chúng bạn, tôi sinh ra trong một gia đình mà nhiều người lớn nói rằng "chẳng ra gì". Bố mẹ sớm ly hôn khi tôi chưa kịp nhận thức được điều gì cả. Hồi đấy, tôi không buồn vì sau khi bố mẹ tôi ly hôn, tôi thấy vẫn chả khác gì. Từ khi lấy chồng, mẹ tôi không ở nhà chồng mà mua đất, xây nhà bên ngoại, tôi được sinh ra bên quê ngoại. Hồi tôi sinh, bà nội tôi cứ phải đi đi về về giữa hai tỉnh để chăm tôi. Sau khi bố mẹ ly hôn thì hè năm nào mẹ cũng gửi tôi về quê nội cho bà và các bác, để tôi chơi với anh chị và các em họ của mình. Tôi có hai tên gọi là vì vậy. Bên ngoại, tôi là Hà - cái tên bà ngoại tôi đặt. Còn về bên nội thì tôi là Vân – bà nội tôi đặt. Con bé tôi khi ấy, vẫn rất vui vẻ, thậm chí là thấy mình thật đặc biệt vì có hẳn hai tên và hai quê liền.


Nguồn: Unsplash

Từ 0-8 tuổi là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình học hỏi và phát triển của đứa trẻ, nó sẽ quyết định hành vi ( và một phần dự đoán tương lai) của đứa trẻ sau này? Chính vì vậy, vai trò giáo dục của gia đình và nhà trường lúc này là đặc biệt cần thiết, để tạo môi trường nâng đỡ và định hướng đúng đắn cho đứa trẻ.


Thế tôi thì sao? Tôi là đứa trẻ như thế nào? Ắt hẳn tôi đã phải ương bướng, ngỗ nghịch lắm khi còn nhỏ? Không có ông bố nghiêm khắc đòn roi nhưng sâu bên trong thương con vô bờ bến nào cả. Không có bà mẹ hiền từ, dịu dàng dạy con học bài hay bênh con khỏi những đòn roi của bố nào cả. Cũng không có bà ngoại, thương cháu hơn con, nuông chiều cháu hết mực, nào cả. Bà ngoại tôi mất khi tôi ba tuổi, tổn thương đầu đời mà tôi chẳng thể quên, Bà của tôi. Sau này, tôi cứ nghĩ mãi nếu có bà thì đứa trẻ tôi ấy sẽ hạnh phúc đủ đầy nhỉ.


Không nhận được sự giáo dục, định hướng từ gia đình, tôi không cho đó là điều thiếu may mắn. Chính nhờ vào điều ấy mà tôi sớm bén duyên với người thầy con chữ - người thầy của tôi suốt thuở thiếu thời. Bên cạnh đó, tôi còn học hỏi, quan sát rất nhiều từ môi trường và mọi người xung quanh. Điều này khiến cho đứa trẻ tôi tha hồ tự do với quyết định và hành động của mình, thả sức thử những thứ mới mẻ mà không sợ bị ngăn cấm. Là đứa trẻ tự vươn, tự chịu như thế nên tôi sớm biết mình muốn gì, sau này mình là người như nào.


Nguồn: Unsplash

Tôi sớm biết mình thích đọc và vẽ tranh


Nếu như các bạn của tôi thường dùng lại sách giáo khoa cũ của anh/chị hay họ hàng thì năm nào mẹ cũng đăng ký mua cho tôi những bộ sách mới nhất ở trường. Bởi tôi đâu có anh/chị nào, hai chị họ của tôi thì lớn hơn tôi rất nhiều, cách tôi cả mấy cấp học. Tôi yêu những bộ sách giáo khoa ấy lắm. Tôi nâng niu giữ gìn chúng vô cùng cẩn thận. Tôi tự bọc, tự viết nhãn vở cho chúng. Tôi nhớ như in những tranh minh họa trong sách giáo khoa tiếng việt hay sách tự nhiên và xã hội. Những bài thơ, đoạn văn đầy ý nghĩa trong sách tiếng việt dạy cho tôi biết bao điều, bây giờ nó luôn giữ một vai trò quan trọng trong ký ức của tôi.


Hình ảnh những cô bé ngoan ngoãn, cầm chổi quét sân, quét nhà, giúp đỡ bố mẹ đã dạy cho tôi cách sắp xếp, xu dọn nhà cửa như nào khi mẹ đi làm. Hình ảnh những đống rơm vàng ươm, dưới chân có đàn gà, gà mái mẹ và những chú gà con đã dạy cho tôi tình yêu quê hương xứ xở, yêu chốn làng quê thanh bình và chân chất. Sau này mỗi lần bắt gặp hình ảnh giàn rau hay đàn gà trên đường đi học, tôi lại khẽ mỉm cười và nói: Thật đẹp!


Ảnh minh họa trong sách lớp 2

Sách giáo khoa là người thầy, người bạn của tôi. Tôi đọc ngấu nghiến. Tôi đọc một lần chưa đủ, tôi đọc nhiều lần. Tôi tưởng tượng mình là cô giáo đang đọc thật diễn cảm cho học sinh nghe. Chính vì thế, sau này đi học, trên lớp có tiết tập đọc tôi luôn là đứa xung phong lên đọc diễn cảm.


Tôi không biết cô giáo thấy thế nào, chứ các bạn cứ nói tôi đọc điệu lắm :))))). Cũng nhờ khoảng thời gian ấu thơ ấy, tôi nhận ra mình còn sở một thích khác là làm MC. Sau này, tôi còn làm MC trong chương trình phát thanh ở trường cấp 3. Hiện tại thì lấn sân sang nghịch và sản xuất Podcast.:))))


Tôi không thích học toán. Ở nhà cũng chẳng ai bắt tôi học cả vì thế tôi hoàn toàn có quyền quyết định thời gian của tôi sẽ dùng vào việc gì. Tôi vẽ tranh. Chính xác hơn là tôi cắt giấy thành những tấm thẻ nhỏ bằng bàn tay trẻ con và vẽ lên đấy những thằng người. Tôi vẽ cô bé cầm chổi, cậu bé đi học, mẹ bế em bé y hệt như trong sách giáo khoa. Vẽ xong thì cũng tô màu y hệt. Vui lắm, thích lắm, thời gian lúc này như biến đi đâu mất, chỉ còn lại tôi và những bức tranh tôi vừa hoàn thành. Sau này, tôi còn khôn hơn. Tôi kiếm được tờ giấy than và phát hiện ra nó có thể in được tranh y hệt, vậy là năng xuất vẽ của tôi tăng lên gấp bội lần:)


Lớn hơn chút, thì tôi vẽ lại các bức minh họa trong báo hoa học trò, tôi ghi những câu quote hay hay lên đó. Tôi luôn là cây bút chủ lực, cây leader của đội vẽ báo tường, tập san suốt những năm tháng cấp hai và cấp ba. Cái công việc mà chả đứa nào muốn đảm nhận vì tốn thời gian làm ảnh hưởng đến việc học ( lớp chọn ban A mà, thời gian cho việc học, việc thi là ưu tiên số 1). Với tôi, việc học sao nó cứ bình thường như cân đường thế nhỉ? Thích thì học, không thích thì làm việc mình thích, tôi hoàn toàn có được sự tự do ý chí từ khi còn là một đứa trẻ vì thế bản thân tôi không mấy khi bị áp lực bởi bạn bè và người lớn xung quanh.


Tôi sớm tự biết được thế nào đúng, thế nào sai. Tôi sớm nhận thức được mọi hành động và quyết định là của mình, chính mình phải chịu trách nhiệm với nó. Tôi sớm biết được, cuộc đời là của tôi, tôi sẽ làm chủ cuộc đời mình, tôi sẽ quyết định mình là một người chủ như thế nào, sẽ định hướng tôi đi tới đâu chứ không phải mẹ tôi, các cậu tôi hay người xung quanh định hướng cho tôi. Nói cách khác, tôi trưởng thành từ trong suy nghĩ khi còn là một đứa trẻ. Trưởng thành trong quá trình tự học ngây ngô qua sách vở . Trưởng thành từ những quan sát non nớt hằng ngày và bắt chước lại đôi khi thì chống đối. Đứa trẻ tôi bé tí hon, cứ mày mò, tự học mọi thứ, tự vươn tự chịu trong cái thế giới khổng lồ mang tên cuộc đời.


Nguồn: Unsplash

Bước ngoặt của tôi, sự tự do ý chí của tôi


Năm lớp 12, trong khi các bạn tôi vò đầu, bứt tai trong việc chọn nguyện vọng, chọn trường, chọn ngành thì tôi cứ dửng dưng như không. Các bạn ai cũng không dưới mười nguyện vọng, vài ba ngành học, và một cơ số không ít trường. Còn tôi chỉ điền đúng ba nguyện vọng, trong đó nguyện vọng một là ngành tôi đang học hiện tại, và tôi hoàn toàn hài lòng với quyết định mang tính bước ngoặt đầu đời của tôi khi ấy.


Tôi biết có rất nhiều người, học cho cha mẹ, học vì thể diện của gia đình. Họ thi vào ngành nọ, ngành kia vì gia đình có đã có cửa trên, cửa dưới. Việc của họ chỉ là học theo ý chí và nguyện vọng của gia đình và tất nhiên sau này đi làm cũng theo ý gia đình nốt. Họ chẳng biết mình muốn cái gì trong cuộc đời này. Họ cứ từ từ, từng chút một mà ngoan ngoãn gạch đi những cái dòng chữ trong check-list cuộc đời của cha mẹ. Cái check-list chết tiệt, cái nào cũng giống nhau như được sản xuất hàng loạt từ một nhà máy vậy.


6 tuổi: vào trường công A

12 tuổi – 18 tuổi: vào trường chuyên Ă, lớp chọn B

18 tuổi: Đại học có tiếng C, ngành học hot D

22 tuổi: đi làm công ty người quen ông E, bà F

25 tuổi: kết hôn, mua nhà, sinh con, yên bề gia thất

Xong xuôi rồi đến đời cháu, cái check list tương tự hoặc hơn😊


Tôi cũng biết không ít người, vì quá chán nản với ngành học, vì không thể cứ mãi làm theo yêu cầu từ gia đình mà làm điều khiến bản thân không hạnh phúc, họ bỏ học giữa chừng để tìm lại bản thân mình ( tôi chỉ nói những trường hợp bị áp lực từ phía gia đình, không nói đến những người đang trong quá trình thử và sai ).


Nguồn: Unsplash. Check- list tôi ư? I say no

Tôi không tự nhận mình đã phát triển đến mức tốt nhất. Tôi không tự nhận mình đã có quyết định đúng đắn ngay từ đầu. Tôi cũng chỉ là đứa trẻ tự học, cái tôi làm đang là thử và sai thôi. Nhưng tôi luôn tự hào về quyết định của mình. Cho dù nó có sai, thì trong quá trình thử tôi đã sống hết mình với nó. Tôi biết được à, thì ra mình không thích cái này như mình tưởng, mình sẽ tiếp tục tìm kiếm một con đường yêu thích khác. Tôi sẽ không thể trách cứ bất kỳ ai vì đã bắt mình lựa chọn sai. Điều này có lẽ sẽ xảy ra nếu như mẹ tôi, các cậu của tôi hay người lớn nào khác bắt tôi phải học thứ họ cho là ngon lành, dễ xin việc ấy.


Nhiều người lớn cho rằng tôi ngang bướng, họ khuyên bảo tử tế thì không nghe và xếp tôi và danh sách những đứa trẻ hư, không muốn nói gì với tôi nữa. Cũng có người nói rằng, họ làm thế vì muốn tốt cho tôi mà thôi, muốn mọi thứ dễ dàng hơn với tôi, sao tôi lại giãy nảy lên như thế. Điều đó không phải là muốn tốt cho mình tôi. Điều đó là sự can thiệp quá thô bạo vào cuộc đời của tôi rồi. Nếu ngay từ đầu, tôi không có chính kiến riêng cho mình, thì họ đã chọn trường cho tôi, có khi còn xin được cả một công việc nhẹ nhàng mà lương khá cho tôi nữa ấy chứ. Nếu tôi không làm chủ được quyết định của mình, có khi sau này việc cưới xin, mua nhà rồi đẻ con sẽ còn không còn là chuyện của tôi nữa.



Tôi hiểu, tôi nằm trong số " tùy từng người" ấy

Tôi vẫn học như một đứa trẻ


Ai rồi cũng cần những vấp ngã để trưởng thành. Trước kia tôi luôn ganh tỵ vì bạn bè mình có bố, có mẹ, có ông bà ở bên cạnh giáo dục, săn sóc. Tôi ganh tỵ vì thấy bạn vấp ngã thì bố mẹ, ông bà lập tức ào ra đỡ bạn đứng dậy. Bạn có mếu khóc vì đầu gối chảy máu thì bố mẹ bạn lại vội đánh chừa vào cái bàn đã làm bạn bị ngã, bạn cười khanh khách. Bố mẹ dặn bạn, lần sau đi thì tránh xa cái bàn này ra nhé!


Tôi cũng vấp ngã. Tôi cũng khóc chứ vì đau, đứa trẻ nào chả sợ đau. Nhưng có điều tôi khác bạn, tôi không có bố mẹ đỡ , tôi cũng chẳng có ông bà đánh chừa cái bàn. Chỉ có duy nhất đứa trẻ tôi-đứa trẻ sẽ tự học cách đứng lên. Tôi đứng lên quan sát và học hỏi từ cái bàn. À thì ra nó là cái bàn, nó có 4 chân vững chãi như cột đình này. Mặt bàn bằng phẳng có 4 góc rất nhọn này. Ta có thể dùng cái mặt bàn ấy để vẽ những bức tranh to to, để viết những con chữ ngay ngắn mà không sợ bị đau cột sống này :). Chả mấy chốc, tôi quên đi cái đầu gối của mình mà bật cười khanh khách vì nghĩ ra được mục đích hay ho để sử dụng cái bàn. Đứa trẻ tôi tự học như thế đấy.



Nguồn: Unsplash

Chấp nhận cuộc đời như một lẽ tự nhiên và học cách buông bỏ đi những ghen tỵ xấu tính giúp tôi cảm thấy mình không tồi tệ :) và đặc biệt, là để tôi có được những ngày mai tốt hơn!


Người viết,


Hà Trần


39 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Nếu bạn cảm thấy thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ cho Ha Tran một ly cà phê sữa :). Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm!

If you really like this post, consider supporting Ha Tran with a coffee. Thank you for visiting!

bottom of page