“Tại sao lại biết nghĩ sớm như thế hả?"
Nếu không phải một người từng trải, câu nói ấy sẽ chẳng bao giờ chạm đến cảm xúc của mình.
Nếu không phải đã từng là một đứa trẻ nhầm vai, hình ảnh em bé Hoa lạc lõng bị mẹ bỏ lại giữa bao người xa lạ nhưng vẫn rất ngoan, biết nghĩ như thế đã chẳng làm mình bật khóc nức nở.
Mình không khóc lúc xem phim. Đơn giản vì mình không muốn để cho ai thấy. Mình bật khóc khi nghe podcast. Podcast của một cô gái tự tin và mạnh mẽ nhưng cô có sở thích làm nũng mẹ của mình. Cô đã trưởng thành mà lúc nào cũng chỉ muốn sà vào lòng mẹ mà nhõng nhẽo…
Mình lặn sâu vào tiềm thức, bóc tách từng lớp, từng lớp của bản thân để rồi trưng ra một vết thương lòng trần trụi. Vết thương không được chăm sóc cẩn thận. Nó chỉ được che đậy lại bằng vài lớp quần áo mỏng chẳng có tác dụng gì. Nó giống như một vết xước lớn trên da, nếu không động đến thì sẽ không đau. Nhưng chỉ cần một người nào đó, vô tình đi ngang, vô tình chạm vào thì toàn thân ta sẽ run lên, co lại mà không thể thốt lên thành tiếng vì đau.
Em đau ở đâu, thì mở vết thương ra để bôi thuốc, chẳng phải sao?
Ai cũng có nỗi đau, nhưng lựa chọn chấp nhận nó hay không mới là vấn đề. Chấp nhận rồi thì làm sao sống tiếp mà không còn thấy đau nữa? Bản chất của nỗi đau không phải ai cũng hiểu được vì chúng ta không phải những cỗ máy được lập trình sẵn.
Có những người, họ đối đãi tử tế với người ngoài nhưng không bao giờ đủ bao dung, nhẫn nại với người nhà. Bạn nói đó biểu hiện của hiện của kẻ bị tổn thương? Thế có khác gì chủ thể là ta đang bị nỗi đau điều khiển tâm trí và hành động?
Có những người vẫn luôn đau đáu một niềm đau phản bội. Họ kinh hãi khi phải bắt đầu những mối quan hệ. Họ tỏ ra mình là một kẻ khốn. Họ tổn thương lòng tốt của người xung quanh với niềm tin đừng ai hòng làm tổn thương đến họ.
Có những người cha, người mẹ bị bạn đời làm tổn thương. Họ trút niềm đau ấy lên em bé tội nghiệp như là điều mà em hiển nhiên phải gánh chịu. Điều đó có đáng không?
Đừng để cái mác kẻ tổn thương mà đi làm tổn thương người khác. Kẻ tổn thương, hơn ai hết cần cho đi yêu thương và được yêu thương.
Nó làm mình nhớ đến câu nói: Người cho là người bị mất mát nhiều nhất nhưng cũng được nhận lại nhiều nhất.
Đau ở đâu thì mở vết thương ra để người ta bôi thuốc?
Dẫu biết, đôi khi ta còn do dự vì không tin tưởng ai cả?
Dẫu biết, khi mở vết thương ra là một lần phải thấy vết thương lại rỉ máu, hôi tanh. Bản thân ta còn chẳng muốn thấy thì làm sao có thể tin vào người khác.
Nhưng chẳng phải ta càng lờ đi, vết thương càng đau và lan rộng hay sao.
Dũng cảm đối diện rồi muốn đến đâu thì đến một lần đi.
Hồi bé, mình sợ nhất nhổ răng. Những chiếc răng sữa lung lay đau rức không chịu nổi. Nó cứ cố bám trụ lấy lợi. Mỗi lần ăn cơm hay làm gì đó động đến chiếc răng ấy là đau khiến mình bật khóc nhưng quyết không nhổ. Vì sợ kìm bác sĩ, sợ bác bẻ mạnh đau, sợ máu chảy mà. Nhưng sự thật làm gì có ai chịu được nó đến cuối đời cơ chứ. Thà cứ đau một lần khi ta nhổ nó đi rồi thôi, còn hơn đau mãi. Đúng không?
Hãy coi những tổn thương ta phải chịu khi xưa như chiếc răng sữa ấy. Ta phải nhổ chúng để trưởng thành. Cuối cùng chỗ lợi trống hơ trống hoác kia cũng mọc ra một chiếc răng “người lớn” xinh đẹp. Đó là những bù đắp cho việc ta đủ dũng cảm để tin tưởng bác sĩ nhổ đi chiếc răng sữa lung lay, đau đớn. Đương nhiên, để giữ cho chiếc răng mới khỏe mạnh, ta phải học cách yêu thương nó. Ta đánh răng mỗi ngày. Ta bớt đòi ăn kẹo, ăn đường lại ( vì dễ khiến răng sâu).
Ai cũng có lựa chọn. Kẻ tổn thương cũng vậy. Xin đừng làm tổn thương người khác.
Hãy biến tổn thương thành yêu thương. Hơn ai hết, ta cảm nhận được nỗi đau, nó khốn khổ như thế nào mà, vậy cớ làm sao không thể bao dung và thương yêu người khác. Đó còn là yêu chính bản thân mình nữa.
Thương yêu và nhận về yêu thương. Tổn thương và thấu hiểu. Hãy biến tổn thương thành yêu thương, bạn sẽ giống như những vì sao trời. Trời có tối thì sao mới sáng, sáng lấp lánh cả một trời đêm rộng!
Người viết,
Hà Trần
Comments